Vấn đề đầu tiên đối với người học khi nói tiếng Anh là những gì bạn học trên lớp có thể khác xa với thực tế. Bạn sẽ không bắt đầu cuộc trò chuyện với những câu hỏi như “How many people are there in your family?” (Gia đình bạn có bao nhiêu người) hay “What is the colour of your hair?” (Màu tóc của bạn là gì).
Ngoài ra, tiếng Anh không chỉ bao là hằng hà sa số từ và quy tắc ngữ pháp, nó là công cụ để kết nối, giao tiếp. Các cuộc hội thoại tiếng Anh nói chung thường đảm bảo người nói nói đúng chủ đề, xây dựng được mối liên kết với người nghe, những điều ít được dạy tại lớp học. Dưới đây là kinh nghiệm và mẹo nhỏ mà tôi đúc kết được sau quá trình học tập tiếng Anh.
Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh
Trước khi đi sâu vào phương pháp, tôi muốn đề cập đến một trạng thái mà hầu như người học tiếng Anh nào cũng mắc phải, đó là sợ nói tiếng Anh với người bản ngữ. Chúng ta sợ cái nhìn dò xét của người lạ, sợ nói chưa hay, chưa tốt khiến họ đánh giá, sợ mắc lỗi hay thậm chí sợ bị người khác cười nhạo. Nếu bạn cũng gặp những nỗi lo âu như vậy, hãy thử lắng nghe phương pháp của tôi.
Hãy thân thiện: Chìa khóa đầu tiên là tỏ ra vui vẻ, thân thiện để tạo bầu không khí thoải mái. Hãy mỉm cười, tận hưởng cuộc trò chuyện và cố tỏ ra bình tĩnh ngay cả khi người đối diện tỏ ra lạnh lùng, ít nói.
Không gây áp lực cho bản thân: Nỗi sợ xuất phát từ việc chúng ta kỳ vọng bản thân sẽ nói thật trôi chảy, thú vị, nhưng nó sẽ chỉ khiến bạn thêm lo âu. Trước mỗi cuộc trò chuyện, đừng kỳ vọng, tưởng tượng nó sẽ xảy ra như thế nào, bạn sẽ hoàn hảo ra sao hay đối phương sẽ tỏ thái độ như thế nào mà để nó diễn ra tự nhiên. Hãy nhớ rằng bạn chỉ muốn giao tiếp với người khác, bạn không cần trở thành bạn thân của ai đó.
Thế giới không xoay quanh bạn: Đừng biến cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh bạn. Hãy cố gắng đặt câu hỏi về đối phương, những người xung quanh và chỉ thêm chi tiết về bản thân nếu có liên quan.
Trung thực: Khi nói về chủ đề nào đó, đừng cố tạo ra một câu chuyện không có thật để dùng những cụm từ hay ho mà bạn được học để “ghi điểm”. Hãy cố gắng nói thật, ngay cả khi không sử dụng được những từ thú vị nếu bạn không muốn bị phát hiện hoặc gặp tình huống khó xử.
Tránh câu hỏi đóng: Những câu hỏi đóng có đáp án chỉ “có/ vâng” vì chúng khiến cuộc trò chuyện chùng xuống, mất tự nhiên. Thay vì hỏi “Do you like spaghetti?” (Bạn có thích ăn mỳ Ý không) hãy hỏi “How often do you eat Italian food?” (Bạn có thường ăn đồ ăn Ý không).
Tám bước xây dựng cuộc hội thoại bằng tiếng Anh
1. Bắt đầu cuộc trò chuyện
Cách tốt nhất để mở đầu câu chuyện là bằng những câu hỏi không quá riêng tư. Nếu hai người mới gặp nhau, bạn có thể hỏi: “Excuse me, do you have the time?”, “Do you know what time it is?” (Bạn có biết mấy giờ rồi không?) hoặc “Hi. Is this seat taken?” (Xin chào, chỗ này có ai ngồi chưa?). Nếu câu trả lời là “No” (chưa) thì bạn có thể tiếp tục: “Do you mind if I sit here?” (Bạn có phiền nếu tôi ngồi đây không?).
Thú vị hơn, bạn có thể tìm điểm đặc biệt để khen đối phương. Ví dụ, “That is a really nice hat. Can I ask where you got it?” (Mũ của bạn thật đẹp, tôi có thể hỏi bạn mua nó ở đâu được không?), “I really like your shoes. Did you get them near here?” (Tôi thực sự thích đôi giày của bạn, bạn mua nó ở đâu vậy?).
2. Xây dựng chủ đề
Nếu đối phương trả lời những câu hỏi phía trên, đó là lúc bạn bắt đầu cuộc hội thoại và cần nói thêm về chủ đề vừa rồi. Bạn có thể hỏi một số câu để biết thêm chi tiết, chẳng hạn:
“Is that store near here?”. (Cửa hàng đó có gần đây không?)
“Was it good value?”. (Nó có bền không). Bạn hãy tránh hỏi về giá tiền của mặt hàng vì nó được coi là câu hỏi bất lịch sự.
Tiếp đó, cung cấp một vài chi tiết về lý do bạn hỏi những câu này và đừng quên cảm ơn họ:
“The reason I asked is because I’ve been thinking about replacing my phone”. (Lý do tôi hỏi bạn vì tôi đang nghĩ đến chuyện đổi điện thoại).
“I’ve been looking for a hat like that to give to my friend”. (Tôi đang tìm kiếm chiếc mũ để tặng bạn mình).
“Thanks for the suggestion”; “I appreciate the information”. (Cảm ơn vì đã gợi ý).
3. Mở rộng cuộc hội thoại
Nếu đối phương mất hứng thú với cuộc trò chuyện, hãy xin lỗi họ và rời đi nơi khác. Nếu họ hứng thú, bạn có thể kéo dài cuộc trò chuyện để hiểu hơn về họ.
Bạn có thể hỏi “Are you from this area?”; “So, what do you do for a living?”; “What brings you here today?”; “Do you come here a lot?” (Bạn có đến từ nơi này không/ Vậy bạn làm gì để kiếm sống/ Điều gì dẫn bạn đến đây/ Bạn có hay đến đây không?).
Mỗi câu hỏi này có thể được sử dụng để mở rộng cuộc trò chuyện và tìm hiểu thêm về đối phương. Ý tưởng ở đây là tìm những điểm chung, khi họ đề cập đến thông tin liên quan đến bạn và cuộc sống của bạn, điều này mở ra cơ hội trò chuyện sâu hơn.
4. Khám phá chủ đề xa hơn
Khi bạn đã dần thoải mái nói bằng tiếng Anh, đây là cơ hội để cuộc trò chuyện đi xa hơn. Ví dụ, đối phương chia sẻ là người yêu mèo và bạn cũng thế, bạn có thể cho họ xem hình những chú mèo của bạn. Hoặc nếu người đó ăn chay và bạn cũng vậy, tại sao hai người không chia sẻ những công thức nấu món chay?
Hãy nhớ nói về người khác nhiều hơn về chính bạn. Ví dụ, thay vì đi sâu vào công thức nấu ăn yêu thích của bạn, hãy hỏi công thức của họ. Điều đó cho thấy bạn thực sự quan tâm đến việc làm quen với họ và họ sẽ cởi mở hơn để tiếp tục cuộc trò chuyện.
5. Hỏi ý kiến
Mọi người đều có ý kiến về một chủ đề bất kỳ và nhiều người thích chia sẻ với những người khác. Dưới đây là một số câu bạn có thể hỏi để người khác bày tỏ quan điểm:
“I don’t know. What do you think?”. (Tôi không biết, bạn nghĩ sao?).
“Has that been your experience too?”. (Bạn từng có trải nghiệm như vậy chưa?).
“Is that a good thing or a bad thing?”. (Bạn nghĩ đây là điều tốt hay xấu).
Khi mọi người bắt đầu chia sẻ ý kiến của họ, bạn đã mở ra cuộc trò chuyện hoàn toàn mới và tự nhiên, nhưng hãy cẩn thận không thăm dò quá xa vào các chủ đề nhạy cảm như chính trị hoặc tôn giáo.
6. Đổi chủ đề
Đôi khi cuộc trò chuyện sẽ bị chùng xuống hoặc dần đi vào ngõ cụt, đó là lúc bạn nên chủ động đổi chủ đề để có thể trò chuyện nhiều hơn và tránh lâm vào tình huống không biết nói gì. Dưới đây là một số cách để bạn thay đổi chủ đề.
“That reminds me…”. (Điều đó nhắc tôi nhớ đến…).
“Speaking of horses, I found out that…”. (Nói về ngựa, tôi chợt nhận ra…).
Hoặc, nếu muốn thực hiện một thay đổi đột ngột hơn, bạn chỉ có thể nói trực tiếp với họ rằng “Not to go off topic, but I recently heard that…”; “Okay, I’m totally changing the topic now, but I was wondering…” (Không phải lạc đề nhưng gần đây tôi nghe nói rằng…/Tôi biết mình đang chuyển đề tài nhưng tôi tự hỏi…).
7. Mời đối phương trò chuyện lâu hơn
Sau khoảng 10 đến 15 phút, bạn nên lịch sự kiểm tra xem mình có đang gây ảnh hưởng đến đối phương hay không. Hãy chắc chắn bạn không làm mất thời gian của người khác.
“I’m not keeping you from something, am I?”. (Tôi không làm phiền bạn chứ).
“Let me know if you need to get going. I don’t want to take up all your time”. (Hãy nói tôi biết nếu bạn cần rời đi, tôi không muốn lấy mất thời gian của bạn).
8. Kết thúc cuộc hội thoại
Một phần của việc trở thành người giao tiếp tốt là biết khi nào nên ngừng nói. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, hãy tìm cách để họ liên lạc với bạn trong tương lai. Nếu bạn cảm thấy như họ có thể muốn trò chuyện lại, hãy cho họ cơ hội với một số cụm từ sau:
“Well, if you ever want to chat again, I’m usually here every Monday afternoon”. (Vâng, nếu bạn muốn nói chuyện thêm, tôi luôn ở đây vào chiều thứ hai).
“Let me give you my email address. If you’re ever in the area again it’d be great to meet up” (Tôi sẽ đưa bạn email của mình, nếu bạn quay lại đây, chúng ta sẽ có cuộc gặp gỡ thú vị).
“Feel free to call me if you want to hang out. Here, I’ll give you my number”. (Hãy gọi cho tôi nếu bạn muốn đi chơi, tôi sẽ cho bạn số điện thoại của mình)