Khi mọi người hỏi tôi làm thế nào để cải thiện kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh và những ngôn ngữ mới, tôi luôn nhớ tới Alex, sinh viên người Mỹ đã thuê tôi làm giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha. Ban đầu, Alex rất thất vọng về trình độ tiếng Tây Ban Nha của mình.
Khi tôi hỏi Alex học tiếng Tây Ban Nha thế nào, chàng trai trả lời rằng xem phim và video bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng cảm thấy chán nản vì mọi người nói quá nhanh. Đến đây, tôi đã nhận ra vấn đề trong việc học nghe không chỉ của Alex mà của nhiều người khác nữa, bao gồm cả tôi.
Chúng ta luôn cố gắng cải thiện trình độ của mình quá nhanh, quá nhiều bằng các tài liệu trình độ cao nhưng khả năng lại chưa sẵn sàng cho việc ấy. Để giúp Alex thành công, tôi đã giải thích, lập ra kế hoạch học mới cho cậu ấy. Dưới đây là bảy lời khuyên tôi dành cho Alex cũng là bảy phương pháp tôi muốn chia sẻ để giúp mọi người cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác.
1. Chọn “đầu vào” dễ hiểu
Điều quan trọng nhất khi cải thiện kỹ năng nghe là lựa chọn tài liệu ôn tập phù hợp với trình độ của bạn, hoặc cao hơn một chút. Những tài liệu này tôi thường gọi là “đầu vào”.
Trình độ của mọi người rất khác nhau, vì vậy không có công thức chung cho tất cả. Tuy nhiên, theo tôi đầu vào dễ hiểu là bất kỳ nguồn âm thanh nào mà bạn có thể hiểu ít nhất 60 đến 80%.
Nếu lắng nghe những điều mà bạn hoàn toàn không hiểu, bạn sẽ dễ thất vọng và bối rối. Ngược lại, nếu có thể nghe hiểu toàn bộ, bạn sẽ nảy sinh cảm giác chủ quan, kiêu ngạo. Vì vậy, ngưỡng cao hơn một chút so với trình độ, cụ thể là nghe hiểu 60-80% là lựa chọn hợp lý.
Khi nghe, bạn phải cố gắng giải mã một vài từ ở đoạn này, đoạn kia, nhưng sẽ có động lực để tìm ra ý chính hoàn chỉnh. Ngoài ra, đôi tai bạn sẽ liên tục được trau dồi lại những gì đã biết và hấp thụ điều mới.
Đó là điều đầu tiên tôi chia sẻ với Alex. Cậu ấy luôn chọn phim và video khó hơn hẳn trình độ của bản thân và bị nó làm thất vọng. Nếu muốn nghe những tài liệu này, Alex cần xây dựng tài liệu nghe từng bước một.
Hãy bắt đầu luyện nghe với tài liệu bạn nắm được nội dung cơ bản, sau đó dần dần chuyển sang tài liệu khó hơn khi mức độ của bạn tăng lên.
2. Nghe những gì bạn thích
Sau khi nắm phương pháp một, các bạn cần tìm ra nội dung “đầu vào” yêu thích để thực hành. Mặc dù về mặt kỹ thuật, bạn có thể lắng nghe bất cứ tài liệu nào đáp ứng tiêu chuẩn 60-80%, nhưng lý tưởng nhất là tài liệu phù hợp với sở thích.
Điều này rất quan trọng vì “đầu vào” liên quan đến sở thích sẽ luôn thú vị hơn các tài liệu khác. Nếu thích những gì nghe được, bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục lắng nghe, không bị chán nản hoặc mất tập trung.
Đó là lý do tại sao trong sách giáo khoa có rất nhiều đoạn hội thoại dài từ việc làm quen bạn bè, đi mua sắm hay đi du lịch, nhưng bạn không cảm thấy hào hứng lắng nghe.
3. Tập trung vào bức tranh lớn, bỏ qua chi tiết nhỏ
Trong bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nghe đòi hỏi sự tập trung nhiều nhất. Nếu không tập trung vào những gì cần nghe, bạn có thể bỏ lỡ thông điệp cốt lõi đang được truyền đạt.
Vì vậy, khi nghe bạn phải tập trung vào “bức tranh lớn”, tức là thông điệp chính của tài liệu. Ví dụ, khi ai đó hỏi bạn rằng “What kind of movies do you like?” (Bạn thích thể loại phim gì?). Bạn có thể nắm bắt được từ “what”, “movies”, “like” (cái gì, phim, thích) hoặc chỉ hai từ “movies” và “like” thì bạn có thể đoán ra nội dung câu hỏi mà không cần biết nghĩa những từ còn lại.
Đây cũng là lý do tại sao lựa chọn “đầu vào” dễ hiểu là hợp lý. Vì có thể nghe 60-80% nội dung, bạn đã có thể nắm bắt ý chính. Đừng bỏ cuộc nếu bạn không hiểu từng từ của tài liệu nghe. Hãy ghi nhớ luôn tiếp tục lắng nghe và tập trung vào “bức tranh lớn” để nắm bắt được nội dung chính.
4. Nghe ở các tốc độ
Người bản địa nói rất nhanh và có thể nhiều tài liệu nghe của các bạn còn quá chậm so với tốc độ thực tế trong giao tiếp. Họ nói nhanh và trôi chảy đến mức người học khó lòng phân biệt từng âm ngắn, âm dài hay nội dung được đề cập.
Để có thể nói chuyện với người bản ngữ, bạn không cần luyện nghe tốc độ nhanh ngay từ đầu vì với trình độ của bạn sẽ rất khó để học tài liệu này. Thay vào đó, ban đầu bạn hãy nghe tài liệu với tốc độ phù hợp với trình độ của mình, sau đó nâng dần cho đến ngưỡng của người bản địa.
Trong thực tế luyện tập, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:
Khi nói chuyện với một hoặc nhiều người bản ngữ, bạn có thể lịch sự yêu cầu họ nói chậm lại, hoặc lặp lại một số từ quan trọng.
Khi nghe một bản ghi âm, bạn có thể phát đi phát lại ở nhiều tốc độ, từ 0.25x hoặc 0.5x. Trên các ứng dụng miễn phí như Youtube, Audacity hay VLC đều cho phép điều chỉnh tốc độ nghe tùy theo nguyện vọng của bạn.
Trong số lựa chọn này, điều thứ hai thường thuận tiện hơn cho việc học. Bạn chỉ cần chọn bất kỳ tệp âm thanh nào và điều chỉnh tốc độ phát cho đến khi có thể hiểu những gì đang được nói. Nghe nó một vài lần ở tốc độ chậm hơn và sau đó tăng tốc từng bước cho đến khi bạn đạt được tốc độ như người bản ngữ.
5. Học bằng ghi chú
Người học tiếng thường xem rèn luyện kỹ năng nghe là hoạt động thụ động, tức là bạn chỉ cần để âm thanh di chuyển vào tai, từ đó dần dần nâng cao khả năng của mình. Tuy nhiên, việc học sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn làm chủ, biến việc học thụ động thành học chủ động. Và lý tưởng nhất là kết hợp cả hai phương thức học này với nhau.
Về việc nghe chủ động, bạn nên học thông qua các ghi chú. Hãy chuẩn bị sẵn một cái bút và tờ giấy. Khi nghe, hãy viết chủ đề của tài liệu nghe. Nếu có nhiều người cùng trò chuyện, hãy đặt tên cho mỗi người để phân biệt, viết ra ý chính trong nội dung nói của họ.
Khi bạn nghe không hiểu, hãy viết những từ này xuống để sau đó tra cứu. Nếu gặp một từ hoặc câu bạn thấy thú vị, hãy viết nó ra để có thể thực hành sử dụng trong các cuộc hội thoại của riêng bạn.
Bằng cách nghe và ghi chú cùng một lúc, bạn sẽ quan tâm và tham gia nhiều hơn vào nội dung âm thanh, từ đó sẽ học theo cách có tổ chức và hiệu quả.
6. Thay đổi thói quen nghe
Tôi tin rằng để theo đuổi một ngôn ngữ lâu dài, người học cần trải nghiệm nhiều hoạt động học khiến họ có động lực, muốn học hỏi ngày qua ngày. Thói quen nghe là một phần quan trọng, bạn nên thay đổi thường xuyên để tạo cảm hứng trong học tập. Ngay khi có thể tập trung nhiều nhất khi nghe trong lúc ngồi vào bàn học, đừng làm việc đó mãi, hãy thay đổi môi trường để việc học thú vị hơn.
Bạn có thể nghe tiếng Anh khi làm việc nhà, trên xe bus, tàu điện… Khi đã tìm thấy một số hoạt động nghe mà bạn hứng thú, hãy luân phiên áp dụng nó vào việc học nghe hàng tuần.
7. Hãy kiên nhẫn
Một thiếu sót lớn của Alex là quá vội vàng. Cậu ấy đã nhanh chóng ngụp lặn trong lượng tài liệu khổng lồ và cao hơn trình độ của mình rất nhiều. Vì vậy, dù cố gắng đến mấy, cậu ấy cũng không thu lại nhiều kết quả.
Chìa khóa cuối cùng tôi đưa ra cho Alex và mọi người là kiên nhẫn. Người phương Đông có câu “Dục tốc bất đạt”, tức là bạn hãy xây dựng khả năng từ những viên gạch đầu tiên, tương ứng với trình độ tạm thời của bạn. Hãy kiên nhẫn rèn luyện, trau dồi từ dễ đến khó, bạn sẽ đạt được điều mình muốn.
Kỹ năng lắng nghe, giống như tất cả hoạt động khác, cần được dành thời gian để phát triển. Chúng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (bao gồm thời gian học, lượng nghe và độ sâu của từ vựng), không yếu tố nào có thể thực hiện thông qua con đường tắt. Cách duy nhất để cải thiện khả năng nghe là nhất quán. Thực hành mỗi ngày, nâng cấp tài liệu, thay đổi hoạt động học và hình thành thói quen.
Nếu bạn có thể nhất quán và duy trì thói quen như vậy trong nhiều tháng và nhiều năm, bạn sẽ sớm thấy rằng khả năng nghe hiểu của mình đã tăng theo cấp số nhân. Nếu bạn không kiên nhẫn và không thể làm điều đó, khả năng nghe của bạn sẽ phát triển với tốc độ chậm hơn rất nhiều.