Tôi bắt đầu học tiếng Anh năm 13 tuổi tại trường cấp hai. Tiếng Anh mê hoặc tôi. Tôi muốn nói tiếng Anh như người Mỹ, giống những gì thấy trong phim. Tuy nhiên, ban đầu điểm tiếng Anh của tôi tại trường rất thấp.
Thầy cô giáo muốn tôi học tiếng Anh từ trong sách giáo khoa nhưng tôi muốn học hỏi từ người bản ngữ, từ tiểu thuyết, phim ảnh hay bất cứ điều gì khiến tôi yêu thích, tò mò về ngôn ngữ này. Những bài học trên trường không giúp ích gì cho tôi. Tôi có một giáo viên nói tiếng Anh với giọng Italy rất nặng, các lớp học của thầy luôn là chuỗi nhàm chán với hoạt động ghi chép, chia động từ.
Phát âm của tôi rất tệ, ngữ pháp tiếng Anh khiến tôi đau đầu, nhưng tôi vẫn mơ ước có thể sử dụng ngôn ngữ này như tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, tôi quyết định tìm ra chiến lược riêng để tự học tiếng Anh tại nhà.
Trong một đến hai năm ngắn ngủi, tôi đã cải thiện đáng kể trình độ tiếng Anh, thậm chí còn vượt xa các bạn cùng lớp, những người trước đây có điểm số luôn bỏ xa tôi. Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi muốn chia sẻ với mọi người về “cuộc đấu tranh” với tiếng Anh của mình, cách tôi kiên trì vượt qua rào cản ngôn ngữ và những đúc rút từ quá trình này.
1. Học mỗi ngày
Trên thực tế, nếu có một bí mật để học tiếng Anh thì đó chính là học mỗi ngày. Hành động lặp đi lặp lại sẽ tạo ra động lực và động lực sẽ thúc đẩy việc học. Tôi gọi đó là “quy luật tích luỹ ngôn ngữ”.
Hãy tưởng tượng bạn dành ra 30 phút mỗi ngày để học tiếng Anh. Với nhiều người, con số này không quá nhiều, bạn hoàn toàn có thể dành ra được 30 phút quý báu để học. Thử nhân lên với 365 ngày trong năm, bạn sẽ có 183 giờ học tiếng Anh, lượng thời gian tuyệt vời.
Bạn hãy học tiếng Anh tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Tất nhiên, sẽ có ngày bạn học nhiều hơn, một số ngày bạn học ít hơn, nhưng đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là bạn học mỗi ngày và cố gắng đừng phá vỡ thói quen này.
Không ít người cảm thấy uể oải khi ngồi vào bàn học, nhưng bạn hãy cố gắng bỏ ra 2 phút đầu tiên. Đây là hai phút đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp bạn nhập tâm vào bài học. Bạn sẽ sớm nhận ra mình đang có hứng thú với việc học và không muốn dừng lại sau hai phút đó.
2. Học phát âm ngay từ đầu
Nếu có một lời khuyên để tạo ra sự khác biệt, tôi nghĩ đó là nếu muốn học nói tiếng Anh tốt, bạn hãy bắt đầu từ việc học phát âm.
Như tôi đã nói, khi học tại trường, phát âm tiếng Anh của tôi rất tệ. Tôi không thể phát âm hai từ “beet” và “bit” khác nhau, không phân biệt được âm ngắn, âm dài. Vì vậy, tôi dành toàn bộ thời gian đầu để học phát âm.
Ở trên lớp, tôi đọc to các văn bản. Tôi làm quen với người Anh, người Mỹ sống trên đất nước mình, nói chuyện với họ để họ sửa lỗi phát âm. Ở nhà, tôi tự nói tiếng Anh với chính mình, nói qua gương, nói trong lúc tắm, thậm chí trong lúc ăn cơm với gia đình.
Khi học tiếng Anh, bạn nên chú ý tới phát âm đầu tiên. Hãy chọn giọng Anh Anh hoặc giọng Anh Mỹ để nhất quán ôn luyện. Đừng sợ những âm thanh mới, đừng sợ việc nghe mà không hiểu. Hãy tưởng tượng mình là miếng bọt biển, bạn sẽ hấp thụ những âm thanh đó, luyện tập và biến nó thành của mình.
3. Học toàn diện
Tôi coi ngôn ngữ như sinh vật sống với bốn thành phần chuyển động cơ bản, gồm: nghe, nói, đọc, viết. Mỗi phần đều có giá trị riêng. Nếu bạn nói giỏi một ngôn ngữ bất kỳ, người ta sẽ hiểu rằng bạn có thể nghe, nói, đọc, viết trôi chảy.
Chúng ta cũng học ngôn ngữ mẹ đẻ bằng cách tiếp nhận bốn kỹ năng này. Khi ra khỏi bụng mẹ, chúng ta lần đầu tiên nghe, sau đó nói ra vài từ rồi học đọc và viết. Tuy nhiên, khi chúng ta học ngoại ngữ, mọi thứ khó khăn hơn. Chúng ta sẽ khó học tốt cả bốn kỹ năng, có thể có người đọc tốt nhưng nói kém hoặc ngược lại.
Vì vậy, sau khi học phát âm, hãy mở rộng việc học. Bạn hãy bắt đầu ôn luyện ngữ pháp, từ mới hay bất cứ kiến thức nào phục vụ bốn kỹ năng, nghe, nói, đọc và viết. Và bạn đừng nghĩ học ngữ pháp sẽ chỉ giỏi viết hay học từ mới sẽ phục vụ việc đọc. Tất cả kiến thức này dung hòa lẫn nhau, củng cố cả bốn kỹ năng của bạn.
4. Xem phim có phụ đề
Xem phim là phương pháp học tiếng Anh vô cùng đơn giản, thực sẽ giúp cải thiện vốn tiếng Anh của bạn. Tôi vẫn nhớ khi học tiếng Anh với người bản địa, mỗi ngày giáo viên đều mang đến một bộ phim và yêu cầu xem đi xem lại chúng.
Thông qua việc xem nhiều phim, tôi hình thành được phản xạ nghe tiếng Anh, vốn từ vựng cũng tăng lên đáng kể. Tôi thậm chí còn nhại lại cách nói, giọng điệu của những nhân vật yêu thích.
Bạn hãy cố gắng xem ít nhất một bộ phim tiếng Anh mỗi tuần, có thể có phụ đề tiếng Anh. Nếu vốn tiếng Anh khá, bạn có thể tắt phụ đề và xem đi xem lại nếu chưa nghe hiểu rõ.
Đừng quên ghi lại những bộ phim bạn đã xem, thời gian xem để theo dõi tiến trình và tạo động lực học.
5. Sổ theo dõi hoạt động học
Khi học ngôn ngữ mới, có bao giờ bạn tự hỏi “Liệu quãng thời gian qua, trình độ của mình có tiến bộ chút nào hay không?”. Cuốn sổ theo dõi hoạt động học sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Không chỉ vậy, nó sẽ cho thấy bạn đã học những gì, còn yếu kỹ năng nào hay đã thay đổi ra sao, tất cả để trau dồi thêm hoặc đơn giản là tự hào với nỗ lực của bản thân.
Bạn có thể ghi lại các từ đã học, vạch ra những kế hoạch học tiếng Anh, đánh dấu V nếu bạn hoàn thành những kế hoạch này và tiếp tục nghĩ ra ý tưởng mới để học ngôn ngữ.
6. Thực hành sử dụng tiếng Anh
Giờ đây, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của tôi. Tôi sử dụng tiếng Anh mỗi ngày vì nhiều lý do và bằng các hoạt động như đọc sách, xem TV, xem Youtube… Nói cách khác, tiếng Anh đã trở thành một phần nhất định trong cuộc sống của tôi.
Trên con đường học ngôn ngữ, sẽ có khoảnh khắc kỳ diệu khi bạn ngừng xem ngôn ngữ là việc học mà bắt đầu sử dụng nó đơn giản vì đó là một phần của cuộc sống. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ ngừng học hỏi. Việc học không bao giờ thực sự dừng lại, ngay cả ở cấp độ nâng cao. Khoảnh khắc này chỉ đơn giản là sự chuyển hóa, từ việc học tập sang vận dụng, nếu bạn làm việc đủ chăm chỉ. Kể từ giây phút đó, việc học sẽ suôn sẻ hơn nhiều.
Vì vậy, khi đã có vốn tiếng Anh kha khá, hãy cố gắng sử dụng chúng bằng nhiều cách như nói chuyện với người bản ngữ, đọc sách, xem TV… Tất cả hoạt động này bạn đã làm khi học nhưng khi vận dụng thực sự tức là bạn điều khiển nó chứ không phải hấp thụ nó.
7. Làm quen và duy trì mối quan hệ với người nói tiếng Anh
Tôi cho rằng nguồn lực lớn nhất để học tiếng Anh là con người. Tôi giỏi tiếng Anh không phải vì tôi học tốt môn tiếng Anh mà do tôi sống với nó. Tôi liên tục tìm kiếm người nói tiếng Anh để trò chuyện, giữ liên lạc với họ thậm chí khi họ đã về nước. Chúng tôi trò chuyện qua Skype, Facebook mỗi ngày để cập nhật tình hình của nhau, để sống cùng một ngôn ngữ.
Trong việc học ngôn ngữ, bạn cần tiếp xúc với người bản ngữ. Họ sẽ vừa là người bạn, vừa là người thầy của bạn. Họ giúp bạn tự tin hơn, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn hơn. Họ dạy bạn về văn hóa, giải thích những trò đùa hay những từ lóng của họ. Nhờ đó, bạn có thể học được nhiều nhất và tận hưởng nhiều nhất tiếng Anh.